GIới thiệu chung GIới thiệu chung

Chùa Đôi Hồi - đền Tam Phủ: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa ngàn năm
Publish date 20/10/2023 | 08:30  | Lượt xem: 143

chùa Đôi Hồi đền Tam Phủ

Chùa Đôi Hồi, đền Tam Phủ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng và cấp bằng công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, theo Quyết định số 177-VHQĐ ngày 05/3/1990 (Canh Ngọ), vào sổ danh mục Di tích lịch sử số 570.

Theo bia trùng tu dựng năm Giáp Thân (1704) niên hiệu Chính Hòa thứ 25 nhà Lê thì Chùa Đôi Hồi và đền Tam Phủ được xây dựng từ triều đại Lý - Trần (niên đại gần 1000 năm) xưa thuộc xã Thu Quế, Phủ Quốc Oai, Trấn Sơn Tây. Nay là làng Thu Quế, Thống Nhất xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.

Chùa Đôi Hồi mặt trông hướng Tây, cấu trúc mặt bằng theo kiểu nội công - ngoại quốc, tiền thần, hậu phật. Tam quan có gác chia 2 tầng 8 mái câu đối 2 bên. Gồm 3 cửa (phía  bên trái là cửa Không Quan, cửa giữa là Trung Quan,  phía bên phải của Giả Quan).  Mặt bằng chùa có hình “chữ Công” gồm nhiều tòa ngang dãy dọc quy mô bề thế .Tiền đường 3 gian 2 chái với hiên rộng và 5 bộ cửa bức bàn. Tòa thượng điện 3 gian bên trong là các bệ thờ tượng Phật, đồ tế khí uy nghiệm. Trong chùa Đôi Hồi bài trí một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông rất đa dạng gồm 76 pho tượng gỗ và tượng đất, hầu hết được tạo tác vào thế kỷ XIX sơn son thiếp bạc.  Đáng kể một số đồ tế khí có giá trị, như đài nến, 3 bát hương sứ men, 1 quả chuông và 1 chiếc khánh bằng đồng. Chuông cao 168cm, đúc năm Cảnh Thịnh 2 (1794), thời Tây Sơn. Khánh được đúc cùng chuông nhưng đến năm Canh Thìn thời Nguyễn (1880) thì được đúc lại.

Chùa còn giữ được 7 đạo lệnh trong số 9 đạo lệnh do chúa Trịnh ban cho, 2 đạo khác đã bị thất lạc. Đặc biệt có 4 tấm bia đá, một bia trong đó là khối trụ 4 mặt, trên đầu có mái che, diềm trang trí hoa văn lượn sóng mái dây leo, được dựng năm Mậu Tý niên hiệu Hưng Trị (1588). Ngoài ra còn đôi nghê đá chầu dưới cửa nhà trung tế mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII.

Đền Tam Phủ mặt trông hướng Nam mang nghĩa Thánh nhân Nam diện nhĩ thính thiên hạ- nghĩa là Thánh nhân ngồi quay hướng Nam để nghe được lời tô cầu của chúng sinh mà ban ơn huệ.

Đền là nơi hội tụ của khí thiên 3 cõi trời, hướng tụ phúc tụ lộc. Qua sân là tòa Phương Đình kiểu cổ điển 2 tầng 8 mái. Mái trên nhẹ gắn với yếu tố dương, mái dưới nặng gắn với yếu tố âm. Hai mái hợp lại là lưỡng nhi, bốn phía mái hợp thành tứ tự, 8 mái tượng trưng cho bát quái: Cấn núi, Khảm nước, Cấn trời, Trấn sấm, Tốn gió, Ly lửa, Khôn đất, Đoài đầm. Đây là kiến trúc mang ý nghĩa sinh sôi nảy nở, một ước vọng luôn thường trực của người xưa. Đền gồm tòa phương đình, tòa tiền tế, hậu và cung. Thờ Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ (Tam phủ thánh đế công đồng ) Hai bên tả hữu có thập điện minh vương. Phía trong Hậu Cung bên trái là tượng 5 vua bên Bắc Đẩu: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương,, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Vương; bên phải là tượng 5 vua bên Nam Tào: Biện Thành Vương, Thái Sơn Vương, Đô Thị Vương, Bình Đẳng Vương, Chuyển Luân Vương

          Tuấn Phùng