TIN HOẠT ĐỘNG CHÍNH QUYỀN TIN HOẠT ĐỘNG CHÍNH QUYỀN

Hà Nội được phân bổ 8.000 liều vắc xin trong đợt đầu tiên
Publish date 09/03/2021 | 16:08  | Lượt xem: 339

Chiều 08/3, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận

Không lơ là, chủ quan khi có vắc xin

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức hạnh cho biết: Từ 16/02/2021 đến nay (21 ngày), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới. Cộng dồn giai đoạn 4 (từ ngày 27/01/2021 đến nay), ghi nhận 35 ca mắc ngoài cộng đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, tuần qua, ngành Y tế đã chủ động bám sát lộ trình triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Covid-19 của Bộ Y tế để triển khai trên địa bàn thành phố. Theo Quyết định số 1469/QĐ-BYT ngày 6/3 của Bộ Y tế, trong đợt này, Hà Nội được phân bổ 8.000 liều vắc xin, số lượng vắc xin đợt sau còn phụ thuộc vào Bộ Y tế... Tùy từng loại vắc xin lại có tính miễn dịch khác nhau, do đó, trong trường hợp có đủ vắc xin thì người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch…

Thông tin tại cuộc họp về phân bổ và tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngày 9/3, Hà Nội sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Vắc xin tiêm trong đợt đầu này là vắc xin của Tập đoàn AstraZeneca, là một trong 3 loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận và đã được sử dụng trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vắc xin sẽ được tiêm cho người trên 18 tuổi, 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 12 tuần. 

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành Y tế đã xây dựng kịch bản về mô hình tiêm chủng. Vấn đề ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tiêm chủng trong các khu vực tiêm chủng cũng như khu vực phòng chống dịch, đảm bảo 5K trong khi tiêm chủng… Đảm bảo nhân lực y tế khi phát hiện, xuất hiện các trường hợp phản ứng sốc để xử trí kịp thời. "Vắc xin phòng Covid-19 cũng giống như các loại vắc xin phòng bệnh khác là có những triệu chứng phản ứng phụ không mong muốn khi tiêm như sốt, đau đầu, buồn nôn… nên người dân hoàn toàn yên tâm khi gặp phải các trường hợp này sau khi tiêm chủng" - Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Ngành Y tế đã xây dựng sổ theo dõi sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân có thể tự theo dõi tình hình sức khỏe sau tiêm cũng như phản hồi về phản ứng sau tiêm với các cán bộ y tế, cơ sở y tế. Song, lãnh đạo Sở Y tế khẳng định: "Vắc xin là biện pháp phòng bệnh nhưng không phải biện pháp duy nhất, nên ở thời điểm này, chỉ dựa vào vắc xin là chưa đủ, do đó, người dân không thể chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch".

Sẵn sàng điều kiện phòng, chống dịch để mở cửa trở lại các di tích

Tại phiên họp, các quận, huyện, thị xã báo cáo tiếp tục thực hiện nghiêm phòng, chống dịch theo chỉ đạo. Một số địa phương đã kết thúc cách ly đối với các trường hợp F1 và đề nghị theo dõi sức khỏe tại nhà. Về việc mở cửa di tích bắt đầu từ 0 giờ ngày 8/3, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, sẵn sàng đón du khách nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch. 

Đại diện Huyện Mỹ Đức cho biết, ngày 5/3, huyện đã làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế và các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón khách tham quan đến Di tích chùa Hương. Theo đó, yêu cầu du khách thực hiện nghiêm thông điệp 5K; các phương tiện (thuyền, cáp treo) đảm bảo vệ sinh và giãn cách; các quán ăn có vách ngăn và khuyến khích du khách ăn theo suất; bố trí lực lượng hướng dẫn… Huyện dự kiến mở cửa đón khách vào ngày 13/3 tức mùng 2/2 âm lịch.

Về vấn đề nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng chỉ đạo, trong trường hợp Ban quản lý di tích chùa Hương đã sẵn sàng các điều kiện an toàn thì lãnh đạo địa phương có thể chủ động mở cửa sớm hơn để tránh việc du khách tập trung đông vào cuối tuần và đầu tháng, bảo đảm giãn cách.

Tại khu di tích lịch sử Đền Sóc, huyện Sóc Sơn, công tác chống dịch đã được chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, do thời điểm ngày hội đầu Xuân đã qua nên số lượng du khách đến đây hiện không nhiều. Quận Hoàn Kiếm cho biết, đã giao cho ngành văn hóa-thông tin làm việc với các phường và Ban Quản lý di tích để thống nhất giải pháp khi mở cửa trở lại đón du khách tham quan tại các điểm di tích trên địa bàn. Quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị thành phố cho phép phố đi bộ hoạt động trở lại từ thứ 6 tới đây (ngày 12/3/2021)…

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố đã giao địa phương chủ động mở cửa các di tích, cơ sở tôn giáo. Do đó, đồng chí mong rằng, các quận, huyện, thị xã tạo điều kiện để các di tích vừa mở cửa trở lại vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Phòng, chống Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng đánh giá cao sự vào cuộc của BCĐ, các địa phương trong công tác phòng, chống dịch thời gian vừa qua, cũng như việc tập trung điều kiện để các hoạt động trở lại bình thường trong tình hình mới. Phó Chủ tịch nhận định, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục gia tăng, tình hình trong nước cơ bản được khống chế, song, vẫn xuất hiện các ca bệnh mới. 

Căn cứ tình hình chung, lãnh đạo thành phố cho rằng nguy cơ, rủi ro dịch bệnh của Hà Nội trong thời gian tới vẫn cao bởi các lý do: hoạt động nhập cảnh trái phép còn diễn ra tại một số địa phương; các chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam; các trường Đại học, Cao đẳng chuẩn bị đón sinh viên các tỉnh trở lại học tập và sinh sống… Đồng chí Chử Xuân Dũng khẳng định, với trách nhiệm của địa phương, thành phố chủ động nắm bắt và làm việc với các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn để có các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi sinh viên quay lại trường… 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị lãnh đạo sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục xác định nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; tiếp tục duy trì hoạt động BCĐ các cấp và tổ "Giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng". Theo Phó Chủ tịch, thời gian tới, BCĐ phòng, chống dịch thành phố sẽ giảm số lượng họp nếu không có phát sinh tình huống mới.

Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền để người dân phòng, chống dịch, tránh tâm lý lơ là chủ quan đặc biệt khi Thành phố nới lỏng một số hoạt động. "Sống chung với dịch trong điều kiện hoạt động bình thường mới nhưng không được chủ quan, lơ là", Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cơ quan, người dân tiếp tục thực hiện thông điệp "5K" của Bộ Y tế; thường xuyên công tác kiểm tra phòng, chống dịch; tiếp tục giám sát y tế với cơ sở cách ly tập trung và người sau khi cách ly tập trung để bảo đảm không lây nhiễm ra cộng đồng; thường xuyên rà soát địa bàn, xử lý nghiêm người nhập cảnh trái phép; duy trì trạng thái sẵn sàng triển khai truy vết trong trường hợp có ca nhiễm mới trên địa bàn...

Về đề nghị của UBND quận Hoàn Kiếm về phố đi bộ, Phó Chủ tịch thống nhất cho phép mở cửa trở lại phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm từ ngày 12/3 với yêu cầu thực hiện nghiêm phòng, chống dịch và siết chặt kiểm tra các vi phạm. Riêng với tiêm chủng vắc xin, Phó Chủ tịch đề nghị các địa phương đề xuất danh sách, đối tượng người tiêm chủng đợt đầu theo quan điểm: công bằng, công khai, đúng đối tượng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị, sở, ban ngành căn cứ tình hình dịch bệnh, tiếp tục chủ động, đề xuất nới lỏng phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.


Theo cổng thông tin TP Hà Nội