TIN HOẠT ĐỘNG CHÍNH QUYỀN TIN HOẠT ĐỘNG CHÍNH QUYỀN

Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh
Publish date 13/04/2021 | 10:45  | Lượt xem: 4434

Chiều 12/4, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và dịch tay chân miệng trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Số mắc ngày hôm sau với ngày hôm trước tại nhiều nước vẫn tiếp tục tăng lên. Tại Việt Nam, từ ngày 5-12/4/2021, ghi nhận 65 ca mắc mới đều là người nhập cảnh. Riêng rại Hà Nội, từ ngày 5-12/4/2021, Hà Nội ghi nhận thêm 03 ca mắc mới là người từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Theo đó, từ 16/02/2021 đến nay (56 ngày), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, về công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Covid-19, từ ngày 05-12/4/2021, Sở Y tế và các đơn vị liên quan đã tổ chức tiêm cho 728 người. Cộng dồn đã tiêm cho 8.407 người và các trường hợp này sức khỏe đều bình thường. Hiện nay, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch tiêm vắc xin đợt 2 đối với lượng vắc xin vừa được Bộ Y tế phân bổ cho Hà Nội với 53.350 liều. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế, số lượng vắc xin được phân bổ trong đợt 2 vẫn chỉ đủ tiêm cho các đối tượng ưu tiên và sẽ được triển khai trong tháng 4. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát đối tượng cần tiêm theo Nghị Quyết 21 của Chính phủ.

Nhận định về tình hình dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở nhấn mạnh, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội cũng như cả nước đã được kiểm soát, song, nguy cơ vẫn ở mức cao bởi dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Dịch bệnh tại các nước khu vực Đông Nam Á vẫn gia tăng, đặc biệt là tại Campuchia. Bên cạnh đó, Lào cũng vừa ghi nhận trường hợp mắc ngoài cộng đồng sau 1 năm không ghi nhận. Đây lại là các nước có đường biên giới tiếp giáp nhiều với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nhập cảnh trái phép vào nội địa và nguy cơ dịch bệnh theo đó cũng xâm nhập vào nước ta…

Thông tin thêm về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 18.436 trường hợp mắc tay chân miệng, 04 tử vong tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đắk Lắk. So với cùng kỳ năm 2020 số mắc cả nước tăng 4,3 lần. Theo Phó Giám đốc Hoàng Đức Hạnh, đây là dịch bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã ghi nhận 82 trường hợp mắc tay chân miệng tại 28 quận, huyện, thị xã. Số mắc có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, theo nhận dịch bệnh này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và bệnh chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi).

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cũng cho rằng, ngoài hơn 8.400 người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong đợt 1 và hơn 53.000 người chuẩn bị tiêm trong đợt 2, thành phố cũng dự trù đăng ký thêm khoảng 350.000 liều vắc xin phục vụ công tác phòng, chống dịch trong năm 2021. Dự kiến, đợt 2 tiêm vắc xin sẽ triển khai từ ngày 15/4 và kết thúc vào ngày 30/4. Sau đó, thành phố sẽ triển tiêm vét đợt 2 từ ngày 1/5 đến ngày 10/5. "Thành phố đặt công tác an toàn tiêm chủng lên hàng đầu. Do đó, các quận, huyện, thị xã cần chủ động bố trí điểm tiêm chủng an toàn, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm tiêm chủng, bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế", Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới phức tạp chính là nguy cơ rủi ro dịch bệnh đến Việt Nam và Hà Nội. Thời gian tới, thành phố tiếp tục xác định phòng, chống dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết và ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Đồng chí đặc biệt đề nghị giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, trong đó, có cả các trường hợp nhập cảnh theo diện ngoại giao…

Liên quan đến các nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch đề nghị tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là; thực hiện nghiêm túc công tác giao ban cũng như các kết luận các phiên họp trước; rà soát công việc tại các địa phương trong hoạt động phòng, chống dịch. Đồng chí giao Sở Y tế chỉ đạo giám sát tại cửa khẩu, cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng để xử lý kịp thời các tình huống. 

Sở Y tế chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm chủng đợt 2 một cách bài bản từ khâu tuyên truyền với quy trình nghiêm túc (khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe sau tiêm) nhằm hạn chế tối đa tình huống xấu xảy ra; các địa phương tham mưu đảm bảo đúng đối tượng, đúng theo quy định; bố trí kinh phí hỗ trợ công tác triển khai thực hiện tại các địa phương. "Ngay khi kết thúc tiêm chủng đợt 1, Sở Y tế phải tổ chức rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai tiêm chủng đợt 2 hiệu quả", Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch cũng đề nghị các đơn vị cách ly tập trung, nhất là các khách sạn, quản lý chặt các trường hợp cách ly để không lây chéo và lây lan từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng. Các địa phương sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi xuất hiện các ca bệnh; giám sát chặt các trường hợp bệnh nhân và F1 khi trở về địa phương; duy trì tổ "Giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng"…

Về phòng, chống dịch tay chân miệng, Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chủ động chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trong trường học; tăng cường kiểm tra đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các nhóm trẻ, nhà trẻ gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và ý thức về dịch bệnh…

Theo Cổng thông tin Thành phố Hà Nội